Những lưu ý khi sử dụng sữa hạt

Thay vì ăn quá nhiều thực phẩm có nguồn gốc động vật hay thực phẩm đóng hộp, ngày càng có nhiều người lựa chọn các chế độ ăn dinh dưỡng lành mạnh, có nguồn gốc tự nhiên. Sữa hạt - một loại thức uống được chế biến hoàn toàn từ các loại hạt, ngũ cốc đang trở thành một loại thức uống được nhiều người ưa thích bởi hương vị thơm ngon và cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.

nhung luu y khi su dung sua hat
Cần chế biến và bảo quản đúng cách để giữ chất dinh dưỡng trong sữa hạt


Bản chất của sữa hạt là một loại nước uống được chế biến bằng cách nghiền các loại hạt, ngũ cốc, có thể kết hợp với thêm với các loại rau, củ, quả. Dựa vào thành phần dinh dưỡng của các loại hạt có thể chia sữa hạt thành 2 nhóm: sữa hạt giàu chất béo, đạm (hạnh nhân, óc chó, các loại đậu…), và sữa hạt ngũ cốc (yến mạch, gạo lứt, khoai lang, ngô…).

Để có được những ly sữa hạt thơm ngon, ngoài việc lựa chọn nguồn hạt có chất lượng, thì việc ngâm hạt kĩ trước khi chế biến cũng rất quan trọng, vì đa phần các loại hạt đều rất cứng. Việc ngâm hạt sẽ giúp loại bỏ độc tố và giúp việc hấp thu dinh dưỡng dễ dàng hơn.

Có rất nhiều loại hạt nếu xay với nước sôi, hoặc xay xong đem đun sôi sẽ gây kết tủa làm hỏng sữa. Điển hình là hạt điều, hạnh nhân, óc chó, macca, dừa… là những loại hạt chứa nhiều chất béo – thì chỉ cần xay với nước lọc bình thường rồi lọc bỏ bã đi là ổn. Cùng với đó, cần sử dụng nguồn nước ăn đảm bảo để không ảnh hưởng đến hương vị và dinh dưỡng của sữa hạt. Nên sử dụng nước lọc kiềm tính hoặc nước đã được lọc bằng máy lọc tại nhà là lựa chọn khá an toàn để có một cốc sữa hạt đúng vị.

Đối với trẻ nhỏ, nếu chỉ được dùng các loại sữa hạt, trẻ sẽ bị thiếu các vi chất dinh dưỡng (sắt, kẽm), axit amin thiết yếu. Trẻ có nguy cơ bị thiếu máu, còi xương, suy dinh dưỡng là rất cao. Không đủ vi chất dinh dưỡng trẻ sẽ ảnh hưởng tới hệ miễn dịch, dễ ốm, suy dinh dưỡng và thấp còi. Vì thế, mẹ chỉ nên sử dụng sữa hạt cho bé như một thực phẩm phụ, bổ sung chất, giúp bé thay đổi khẩu vị, cho bé dùng khoảng 2-3 ly mỗi tuần. Đặc biệt, nhiều loại sữa hạt không nên sử dụng cho bé dưới 1 tuổi, mà trẻ ở độ tuổi này cần bổ sung dinh dưỡng từ sữa mẹ, ăn dặm hoặc sữa công thức.

Nhiều người có thói quen chế biến sẵn sữa hạt và bảo quản trong tủ lạnh trong một thời gian dài. Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo, đối với sữa hạt hay bất kỳ một loại thực phẩm nào sau khi đã chế biến chỉ nên giữ trong ngăn mát tủ lạnh ở nhiệt độ dưới 3 độ, trong thời gian tối đa 24h. Hãy để ngay sữa vào ngăn mát tủ lạnh, chỗ hơi lạnh tỏa ra. Đừng để ở cánh tủ sẽ khiến sữa nhanh hỏng hơn do nhiệt độ ở cánh tủ thường xuyên bị thay đổi theo mỗi lần bạn mở – đóng tủ lạnh. Ngoài ra nếu để qua lâu, lượng vitamin trong sữa hạt sẽ bị hủy hoại và vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập.

Sữa nên để trong chai thuỷ tinh hoặc nếu chai nhựa thì dùng loại BPA free được chế biến để chịu được nhiệt (nếu có bị lạnh quá hay nóng quá thì thực phẩm trong chai ko bị biến chất, gây độc). Một điều quan trọng nữa là thực phẩm nào dùng nhiều cũng ko tốt, vì vậy 1 loại sữa chỉ nên dùng liên tục tối đa là 1 tuần, sau đó nên thay đổi đa dạng để có thêm nhiều nguồn dinh dưỡng tốt cho cơ thể.